Diễn đàn trường THPT Hoằng Hóa II
Chào mừng bạn đến với

Diễn đàn trường THPT HOẰNG HÓA 2


Tên miền được sử dụng chính thức là thpthoanghoa2.net

Diễn đàn trường THPT Hoằng Hóa II
Chào mừng bạn đến với

Diễn đàn trường THPT HOẰNG HÓA 2


Tên miền được sử dụng chính thức là thpthoanghoa2.net

Tài lệu học tập môn văn 9101010
Trang ChínhTrang Chính  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

:: Quên mật khẩu ::



Share|

Tài lệu học tập môn vănXem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down
Tài lệu học tập môn văn I_icon_minitime25/1/2011, 01:51
Le Dinh Minh12b2
Le Dinh Minh12b2
Thành viên Năng Động
Thành viên Năng Động
Giới tính : Nam
Khóa học : 09-12
Lớp cũ /đang học lớp : b2
Tổng số bài gửi : 539
Được cảm ơn : 71
Birthday : 01/11/1994
Xã, thị trấn : Hoằng Hóa
Công việc : Học sinh

Bài gửiTiêu đề: Tài lệu học tập môn văn

mình tình cờ đọc trong máy tính của mình thôi
xin phép được đưa lên để các bạn tham khảo
TÀI LIỆU ÔN MÔN VĂN

Phân tích bài thơ Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ nhận xét của Hoài Thanh : “Thiên nhiên trong thơ Bác thường chan chứa một niềm vui lớn”. (Cảnh đẹp thiên nhiên trong thơ Bác –Văn nghệ số 434 (1972) ).
Bài làm:
Có lẽ trăng là đối tượng muôn đời của thi sĩ. Anh sáng lung linh, huyền diệu thanh thoát và dịu hiền của trăng rất rễ gợi cảm hứng cho thi nhân. Trăng đã từng bàng bạc toả sáng những trang thơ trong đôi mắt “biếc rờn” dạt dào say đắm của thi sỹ. Là một nhà thơ yêu thiên nhiên tha thiết, Bác cũng không nằm ngoài qui luật cảm hứng chung ấy của nhân loại. Bác yêu trăng, nâng niu thứ ánh sáng thanh khiết của trăng nên mỗi khi thưởng trăng, Bác thường gửi gắm vào người bạn tri âm ấy những cảm xúc dạt dào và say đắm của tâm hồn. Hoài Thanh dã từng nhận xét: “ Thiên nhiên trong thơ Bác thường chan chứa một niềm vui lớn”. Bài thơ viết về trăng nổi tiếng của Bác –bài “Nguyên Tiêu” cũng “chan chứa niềm vui lớn” mà Bác trân trọng gửi gắm với tất cả thương yêu .
Ở con người Bác- một con người giản dị, nhưng vẫn luôn toả sáng một nhân cách lớn lao, vĩ đại. Bác sống vì lý tưởng cao cả, buồn với nỗi đău lớn, vui với niềm vui lớn nên Bác mang cả “niềm vui lớn” ấy vào trong thơ. Chính vì thế thiên nhiên - “người tình muôn đời của thi sĩ” trong thơ Bác thường được Bác yêu thương gửi gắm nỗi niềm. Và nhất là nói với Bác, trăng vẫn là người bạn tri âm chia xẻ vui buồn, trăng vốn chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp thơ ca Hồ Chí Minh. Trăng cũng thường mang trong mình những nỗi niềm tha thiết, mãnh liệt mà sâu lắng của người. Bài thơ “Nguyên tiêu” tuyệt đẹp cũng nằm trong nguồn mạch ấy.
Bài thơ chữ Hán nhỏ xinh ấy đã ra đời trong 9 năm kháng chiến Chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc (cụ thể là bài thơ được sáng tác vào mùa xuân năm 1948). Sau chiến thắng Việt Bắc, thu đông 1947, quân dân ta liên tiếp thu được những chiến thắng rực rỡ. Niềm vui thắng trận đã mang đến một niềm phấn khởi, một niềm tin mãnh liệt cho những con người kháng chiến. Trong không khí sôi động phấn chấn ấy, hồn thơ của Bác đã cất cánh, “Nguyên tiêu” đã ra đời như một đoá hoa xuân ngào ngạt và rực rỡ sắc hương. Vì thế bức tranh thiên nhiên trong bài thơ mang vẻ đẹp tươi tắn, thể hiện sâu sắc niềm vui dào dạt của tâm hồn Bác trong đêm Nguyên tiêu lịch sử.
Mở đầu bài thơ là một lời thông báo, một lời nhận xét mang tính hiện thực cao độ:
“Kim dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên
Rằm xuân lồng lộng trăng soi”
Rằm tháng giêng, trăng đang vào độ tràn đầy, viên mãn nhất. Trăng ở trên đỉnh bầu trời toả xuống thế gian một thứ ánh sáng mênh mang, huyền diệu. Có người đã so sánh vầng trăng trong “rằm tháng giêng” với vầng trăng trong “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế:
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên”
Một tiếng quạ kêu vang lên thê thiết giữa đêm khuya, một vầng trăng tàn, trăng úa đã gợi dậy cả một nỗi buồn mênh mang, sầu não. Cũng là vầng trăng thiên nhiên ấy nhưng vầng trăng trong “Nguyên Tiêu” lại là vầng trăng rực rỡ sắc xuân, tràn đầy “sung mãn”.

“Sông xuân nước lẫn mằu trời thêm xuân”
Không gian bức tranh mở ra mênh mông bát ngát- một không gian ba chiều tràn đầy sức sống mùa xuân. Câu thơ chính đã đánh rơi mất một chữ xuân trong nguyên tác “Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên”, sông của xuân, nước mùa xuân, tiếp với bầu trời mùa xuân. Ba chữ “xuân” tiếp ứng trong câu thơ như tạc như in cái xuân sắc của đất trời vào hồn người đọc “Xuân Giang”, “Xuân Thuỷ” hoà với “Xuân thiên” tạo nên một mùa xuân bất tận, sức sống bừng lên toàn vũ trụ mênh mông. Giữa sông nước và bầu trời không còn giới hạn mà như hoà quyện vào nhau, chan chứa ánh sáng lấp lánh, vừa tươi đẹp vừa hư ảo như ở chốn bồng lai tiên cảnh Độ dài rộng của sông nước, độ cao bát ngát của trời xuân như mở rộng ra mãi trong lòng người. Động từ “Tiếp” dựng dậy độ cao của bức tranh khoáng đạt, càng tạo ấn tượng về không gian vũ trụ bao la, hùng vĩ. Điệp từ “Xuân” như những nốt nhấn, trong trẻo khiến sức sống bừng lên toả lan đất trời. Đêm trăng huyền diệu tràn ngập sức xuân tươi mới ấy như ở chốn bồng lai , nhưng thật ra đó là vẻ đẹp trần thế ngay giữa cuộc đời, nơi sông nước Việt Bắc – căn cứ địa cuộc kháng chiến chống pháp thần thánh của dân tộc ta. Tưởng như thi nhân đang mở rộng cõi lòng để thu lấy sắc xuân của tạo vật, của đất trời trong cái nhìn hân hoan, giao cảm lạc quan với thiên nhiên. Đằng sau bức tranh xuân lộng lẫy ánh sáng, lộng lẫy vẻ đẹp sắc mầu của cảnh vật hữu tình chan chứa một điệu xanh bát ngát: Xanh lấp lánh “xuân giang”, xanh ngọc bích “xuân thuỷ”, xanh thiên xanh của “xuân thiên” (Tạ Đức Hiền), là một tâm hồn trong trẻo, cao đẹp và tràn ngập “một niềm vui lớn”. “Xuân” là mùa xuân, là tuổi trẻ, là vẻ đẹp tươi xinh nhưng “Xuân” còn là vẻ đẹp, là sức sống mãnh liệt của đất nước ta: trong chiến tranh gian khổ vẫn bừng lên một sức sống mạnh mẽ tiềm tàng, trẻ trung không thể dập tắt được. Hai câu thơ đầu không chỉ mở ra một bức tranh xuân viên mãn với ánh trăng căng trào sức sống mà còn thể hiện tinh tế một niềm cảm xúc tự hào, một niềm vui sướng mênh mông của “một hồn thơ đang rung động giữa một đêm xuân đẹp, một đêm xuân lịch sử , đất nước đang anh dũng kháng chiến” (Tạ Đức Hiền). Vì thế, niềm vui cao cả lớn lao ấy của Bác như truyền vào cảnh khiến cảnh vật tươi mới, giạt dào sự sống hơn bao giờ hết .
Thơ Bác luôn vận động linh hoạt, con người luôn chủ động làm tâm điểm của bức tranh thiên nhiên. Hai câu thơ cuối đã hướng tới con người – chủ thể chữ tình với một niềm vui bát ngát :
“Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.
Một chiếc thuyền bồng bềnh giữa chốn khói sáng mịt mùng, giữa nơi núi rừng sâu thẳm. Cảnh tượng nên thơ hư hư thực thực như ở chốn thần tiên huyền ảo . Người trên thuyền như một tao nhân mặc khách đang giăng thuyền thưởng trăng với “Gió trăng chứa một thuyền đầy” (Nguyễn Công Trứ ). Cảnh ấy, người ấy từ lâu đã làm rung động biết bao hồn thơ. Nhưng thật bất ngờ, những người khách ở trên thuyền không phải “đàm tâm sự”,cũng không “đàm tế sự” mà là “đàm quân sự”,một công việc có liên quan đến sự sống còn của đất nước đến vận mệnh của dân tộc. Trên con thuyền bồng bềnh nơi sông nước kia không phải là những người ẩn sĩ , thoát tục xa lánh cuộc đời thường xuất hiện trong thơ cổ :
“Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu”
(Việc thế thăng trầm anh chớ hỏi
Mênh mông khói sáng chiếc thuyền câu)
(Cao Bá Quát)
“Yên ba thâm sứ” –Một thi liệu cổ được Bác vận dụng sáng tạo khiến câu thơ phảng phất hương vị Đường thi. Nhưng ba chữ “đàm quân sự” lại khiến vần thơ mang mằu sắc, mang không khí của lịch sử, thời đại. Vẻ đẹp hoà quyện giữa chất cổ điển và chất hiện đại đã tạo cho bức tranh vừa huyền ảo một lớp sương khói vấn vương vừa tái hiện sâu sắc một công việc trọng đạik của ban chỉ huy cuộc kháng chiến thần thánh nơi căn cứ địa Việt bắc. Con người ở đây không là ẩn sĩ lánh đời mà là những chiến sĩ bàn bạc việc đời, việc đất nước, nhân dân. Bác đã thăy đổi hồn cốt của câu thơ., làm nổi bật lên tâm hồn chiến sĩ cao đẹp: đặt việc nước việc quân lên trên hết. Công việc trọng đại có liên quan đến vận mệnh quốc gia lại được bàn bạc trên con thuyền giữa chốn khói sáng mịt mùng vừa rất nên thơ lại vừa rất độc đáo. Cảnh đẹp đầy sức quyến rũ nhưng con người không đắm chìm vào thiên nhiên, không tìm đến thiên nhiên để thoat tục tìm sự nghĩ ngơi trong tâm hồn mà con người vẫn trĩu nặng chất đời. Chỉ đến khi công việc bàn bạc quân sự đã hoàn thành, tâm hồn chiến sĩ mới dành chỗ cho tâm hồn thi sĩ phơi phới bốc men say:
“Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
Nửa đêm, khi việc nước đã bàn xong, phương lược kháng chiến đã định, tâm hồn con người đã vơi đi lo âu thế sự thì thiên nhiên đã trở về tràn ngập tâm hồn thi nhân với vẻ đẹp đắm săy hơn bao giờ hết. Trăng lùa vào thuyền, vào hồn nhà thơ vấn vít. Trăng dâng đầy lai láng con thuyền khiến con thuyền để “bàn quân sự” vụt biến thành con thuyền thơ đầy ảo mộng. Một hình ảnh thơ tuyệt đẹp đã bay đến hồn thi nhân . Khi công việc đã hoàn thành, tâm hồn Bác mở rộng thứ ánh sáng cao khiết của ánh trăng, no nê, thưởng ngoạn chất xuân sung mãn. Vì thế thiên nhiên trong bài thơ như hân hoan , trong niềm sảng khoái trong niềm vui thanh thản của người lãnh tụ đã tìm được phương lược kháng chiến để cứu nước . Câu thơ phảng phất hương vị Đường thi như trong câu thơ của Trương Kế :
“Cô tô thành ngoại Hàn sơn tự
Dạ bán trung thanh đáo khách thuyền”
(phong kiều dạ bạc)

Nếu câu thơ của Trương Kế ghi lại thời điểm đêm khuya tĩnh vắng, tâm trạng cô quạnh đơn chiếc của người lữ thứ thì trong “Nguyên tiêu”, cũng là nửa đêm nhưng cảnh không tĩnh vắng mà ấm nóng hoạt động của con người, mà sáng bừng ánh sắc của trăng rằm rực rỡ . Trong thơ Bác, trăng là thiên nhiên tươi đẹp, thanh xuân, trăng là người bạn tri âm tri kỷ, và trăng cũng là biểu tượng cao đẹp, sáng láng của tự do. Ta đã từng bắt gặp tâm hồn người tù Hồ Chí Minh phá tan song sắt nhà lao Tưởng Giới Thạch để băy lên giữa bát ngát ánh trăng :
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Thì giơ đây, giữa Việt Bắc “thủ đô gió ngàn” , tâm hồn yêu thiên nhiên, khao khát tự do ấy càng bừng lên mãnh liệt. Trăng chính là hình ảnh tự do. Không còn tăm tối một cánh cửa nhà tù, chỉ có con người và ánh trăng làm trung tâm bức tranh phong cảnh. Niềm vui chan chứa trong hình ảnh thiên nhiên tự do, khoáng đạt gieo vào hồn người một cảm xúc trong trẻo đầy chất thơ .
Thơ bác thường vận động hướng tới ánh sáng như niềm vui mãnh liệt của Bác vào tương lai huy hoàng tươi sáng của ngày mai. Bài thơ kết thúc trong dòng suối trăng lấp lánh rực rỡ, kết trong hình ảnh một con thuyền trăng chan hoà. “ý tại ngôn ngoại” , lời thơ đóng lại nhưng ý thơ mở ra mênh mang, niềm vui như toả lan vương vấn mãi trong hồn người đọc. Niềm vui có được său khi việc quân việc nước đã bàn xong, niềm vui có được khi thi nhân săy đắm ngắm trăng vàng và tin vào tương lai tươi sáng. Niềm vui ấy củng cố cho con ngườiniềm tin vào sự thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến vĩ đại . Câu thơ tràn đầy niềm lạc quan cách mạng của nhà thơ -vị lãnh tụ tài ba. Và vì thế con thuyền bát ngát trăng cũng như bát ngát niềm vui cao đẹp tin tưởng vào bình minh sangs rỡ của dân tộc. Chất lãng mạng cách mạng vút lên từ hiện thực kháng chiến, lâng lâng một niềm vui sảng khoái. Người chiến sĩ vụt biến thành thi sĩ, để rồi say sưa trước xuân viên mãn, nhưng vẫn hết lòng với cuộc kháng chiến giành độc lập tự do giữ mãi đêm trăng rằm mộng mơ trên quê hương yên bình, con thuyền quân sự –con, thuyền, trăng – con thuyền kháng chiến lướt trên dòng sông trong nguồn sáng rực rỡ là dự báo cuộc kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi , con thuyền cách mạng sẽ cập bến vinh quang.
“Nguyên tiêu”là một bài thơ trăng đẹp. Bài thơ man mác phong vị Đường Thi nhưng cảnh không buồn rầu như trong thơ cổ mà phơi phới một niềm vui lớn của một tâm hồn cao cả. Sức xuân như tràn ra trong hình ảnh thơ, ánh trăng như lai láng lan cả vào hồn bạn đọc đã thể hiện một tình yêu thiên nhiên tha thiết của một tâm hồn, dù trong kháng chiến gian khổ vẫn lạc quan tin tưởng vào ngày mai. Cảnh vật trong bài thơ thanh nhẹ nhưng lấp lánh niềm vui lớn. Dù thiên nhiên có phảng phất phong vị cổ điển vẫn phơi phới một niềm vui hiện đại, vẫn trĩu nặng chất đời. Trăng trong thơ Bác và trăng của hàng nghìn năm trước vẫn là vầng trăng ấy. Nhưng trăng xưa là trăng buồn, trăng úa, thì trăng trong “Rằm tháng giêng” lại là vầng trăng vui dạt dào sức sống. Vậy thì sự buồn vui đâu phải tự vầng trăng mà nỗi niềm ấy xuất phát tự lòng người. Trăng vui trăng đẹp, trăng trong sáng thanh cao ấy là vì lòng người cũng vui, cũng đẹp cũng trong sáng như trăng. Qua trăng trong bài thơ Bác, trăng trong “Nguyên tiêu” mà ta hiểu được vẻ đẹp tâm hồn trong trẻo cao đẹp của Bác chính là vì vậy .
“Thơ là tiếng nói của trái tim đến mỗi trái tim” Niềm vui lớn trong thơ Bác đã tìm được sự đồng điệu trong lòng bao thế hệ. Qua thiên nhiên trong thơ Bác nói chung và thiên nhiên trong “Nguyên tiêu” nói riêng ta hiểu được nhân cách cao cả của người. Cuộc đời cứ trôi đi, những tác phẩm nghệ thuật đích thực, những tâm hồn cao đẹp càng ngời sáng lấp lánh với muôn đời như “Cây đời mãi mãi xanh tươi”. “Nguyên tiêu” với bức tranh thiên nhiên “Chan chứa niềm vui lớn” sẽ mãi là một bông hoa xuân thắm sắc, nhịp nhàng sự sống , nóng ấm tình đời như mới hôm qua.

TÂY TIẾN
Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh mằu lá giữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
áo bào thăy chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên chúc độc hành .
Bài Làm:
“Tây tiến” là đời thơ hăy nhất của đời thơ Quang Dũng và cũng là thành tựu xuất sắc của nền văn học kháng chiến. Có thể nói, nếu chọn năm tác giả tiêu biểu của giai đoạn văn học này, có thể không có Quang Dũng nhưng nếu trọn năm bài thơ tiêu biểu, nhất định “Tây Tiến” phải được nhắc tên, đứng ở hàng danh dự. Đọc “Tây Tiến” chúng ta sống lại một thời nửa chắy cùng đoàn quân lừng tiếng đẫ đi vào lịch sử, và chúng ta có thể quên một số câu thơ trong bài , nhưng không thể quên hình ảnh đoàn quân ấy :
Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh mằu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Nếu như ở những đoạn thơ đầu, hình ảnh đoàn quân mới hiện lên qua lét vẽ gián tiếp –nói đến gian khổ, hy sinh và địa bàn hoạt động –thì ở đây, đoàn quân ấy đã hiện lên với những nét vẽ cụ thể, gân guốc, rạch ròi. Đã thành khuôn sáo khi đề cập đến sự can trường của các chiến binh. Ở đây, ta tưởng như gặp một mô típ như thế :
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Nhưng, trước hết, đây là những câu thơ tả thực- thực một cách trần trụi: chiến sãi Tây Tiến hồi ấy hoạt động ở những vùng núi rừng hiểm trở, ma thiêng nước độc, chết trận thì ít mà chết vì bệnh tật thì nhiều, có những con suối rửa chân rụng lông , gội đầu rụng tóc . “Quân xanh”ở đây có thể hiểu là xanh màu áo, xanh lá nguỵ trang và xanh làn da vì thiếu máu. Những hình ảnh rất thực đó, vào bài thơ, với giọng điệu và cách diễn tả lãng mạn của Quang Dũng đã như mang nghĩa tượng trưng, rất có khí phách. Mười bốn chữ thơ mà chạm khắc vào lịch sử hình ảnh một đoàn quân phi thường, độc đáo, có một không hai trong cuộc đời cũng như trong thơ ca. Đoàn quân của một thuở “xếp bút nghiêng lên đường chinh chiến”của các tràng trai Hà Nội kiêu hùng hào hoa .
Vì vậy, khó khăn, gian khổ là thế, nhưng các chiến binh Tây Tiến vẫn không nguôi vơi đi những tình cảm lãng mạn:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
“Mộng” và “Mơ” của người lính được gửi về hai phương trời: biên cương, nơi còn đầy bóng giặc- mộng giết giặc lập công, và Hà Nội, quê hương yêu dấu – mơ những bóng dáng thân yêu . “Dáng kiều thơm”ấy là vầng sáng lung linh trong ký ức, “tố cáo”, nét đa tình của người lính. Nhưng với các chiến sĩ Tây Tiến, nỗi nhớ ấy là sự cân bằng, thư thái trong tâm hồn sau mỗi chặng hành binh vất vả chứ không phải để thối chí nản lòng. Vậy mà một thời câu thơ “đẹp một cách lãng mạng”này đã khiến cho tác giả của nó và chính bài thơ phải “trải bao gió dập, sóng dồi”.
“Cổ lai chính chiến kỷ nhân hồi”-xưa nay đi chiến trận, mấy ai trở về, các chiến sĩ Tây Tiến cũng không khỏi chánh phải những mất mát, hy sinh:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Sau những câu thơ rắn rỏi, đẹp đẽ, đến đây âm điệu câu thơ chợt trầm và trùng xuống để độc giả thấy rõ hơn bản chất của sự việc. Dường như đây là một cảnh phim được cố ý quay chậm. Còn gì thiêng liêng và cao cả hơn sự hy sinh, chấp nhận gian khổ của người lính. Trên đường hành quân người chiến sĩ Tây Tiến gặp biết bao ngôi mồ viễn xứ của những kẻ chết xa quê. Nhưng các chiến sĩ ta nhìn thấy với đôi mắt bình thản, bởi họ đã chấp nhận điều đó. Một trong những động cơ thôi thúc họ lên đườnglà hình ảnh người anh hùng da ngựa bọc thây mà họ tiếp nhận được trong văn chương sách vở. Một niềm đam mê trong sáng pha chút lãng mạn.
Hai câu thơ cuối tiếp tục âm hưởng bi tráng, tô đậm thêm sự mất mát hy sinh nhưng đó lại là một cái chết cao đẹp –cái chết bất tử của người lính Tây Tiến:
áo bào thay chiếu anh về đất
Sông mã gầm lên khúc độc hành
Hai câu thơ mới đọc qua tưởng như chỉ làm nhiệm vụ miêu tả, thông báo gình thường nhưng sức gợi thật lớn. Đâu đây vẫn như còn thấy những giọt nước mắt đọng sau hàng chữ. Hai câu thơ rắn rỏi mà cảm khái, thương cảm thật sâu xa. Làm sao có thể dửng dưng trước cảnh “anh về đất”? “Anh về đất”là hoá thân cho dáng hình xứ sở, thực hiện xong nghĩa vụ quang vinh của mình. Tiếng gầm của Sông Mã về xuôi như loạt đại bác rền vang, vĩnh biệt những người con yêu của giống nòi .
Trước đây, khi nhắc đến những dòng thơ này, người ta chỉ thấy những biểu hiện nào là “mộng rớt”, “buồn rơi”… nhưng thời gian đã khiến chúng ta nhìn đúng hơn vào bản chất, có thời đại ấy mới có văn chương ấy .
“Tây Tiến” là bài thơ, là tấc lòng của những người chiến binh Tây Tiến. Bài thơ có nhạc, hoạ; bên cạnh cái bi là cái hùng, bên cạnh mất mát, đau thương là anh hùng. Nửa thế kỉ qua, bài thơ ngày một thêm sáng giá và đoạn thơ khắc hoạ đoàn quân Tây Tiến đã trở thành một hoài niệm khó quên của một thời kỳ lịch sử hào hùng trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống pháp.


Vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, bi tráng trong bài thơ “Tây Tiến”của Quang Dũng.
Bài Làm

Ra đời trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống pháp gian khổ, “tây tiến” là một hồi tưởng rất đẹp, những kỉ niệm đầy sống động về người chiến sĩ trong đoàn quân “Tây Tiến”. Hồi tưởng của một anh lính tài hoa có tinh thần xả thân vì nghĩa lớn –Quang Dũng. Cho nên, khác với vẻ đẹp các bài thơ cùng thời, vẻ đẹp của “Tây Tiến” là vẻ đẹp hài hoà , hào hoa,bi tráng. Bài thơ mở đầu với một tiếng gọi dồn chứa tâm trạng, thoạt đầu đọc lên có vẻ lạ lùng:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhơ chơi vơi”.
Hai câu thơ xác định rõ hai khoảng không gian khác nhau.Không gian thực tại và không gian hồi tưởng. Tuy nhiên chỉ có độc giả mới nhận ra rành rõ điều đó, còn đối với nhà thơ, khi ông nói “xa rồi” là khi những hình ảnh của một quá khứ chưa xa đang ập tới, nhấc bổng ông khỏi mảnh đất thực tại, đẻ hồn thơ lơ lửng, “chơi vơi trong cõi nhớ”cũng “xa rồi”chứ đâu chỉ “Sông Mã”.
Vậy là, chẳng cần đến sự dẫn dắt dềnh dàng nhằm chuyển vùng không gian cho người đọc, một thời “Tây Tiến” đã hiện lên tức khắc trước mắt ta. Trong kí ức nhà thơ, các ấn tượng hãy còn nóng hổi , tươi nguyên và cái nặng nhọc vất vả ngày nào dường như còn chưa tan hẳn, ta thấy các địa danh được hiện lên, tất cả hãy còn đây rành rành trong tâm trí:
“Sài khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường lát hoa về trong đêm hơi”.
Sự hiện tại hoá quá khứ dưới tác động của một ký ức sâu mạnh đã vẽ lên một bức tranh roi rót ấn tượng về thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng tràn đầy thơ mộng. Thiên nhiên ấy thường vẫn thử thách các chiến sĩ, đôi khi muốn vùi lấp những sinh mạng bé nhỏ trong những khoảnh khắc của thung lũng sương mù. Nhưng cũng chính khung cảnh này, khiến tâm hồn của các chàng trai gốc Hà Nội được một phen bay bổng. Nếu “sương lấp”lạnh lùng, nặng nề đe doạ bao nhiêu thì “hoa về” lại nhẹ nhõm, tươi tắn,ấm áp bấy nhiêu. “Hoa về trong đêm hơi”-câu thơ nhiều thanh bằng diễn tả một trạng thái lâng lâng. Dĩ nhiên là cái lâng lâng vừa đến sau một chặng đường mỏi mệt. Khung cảnh rừng núi mà đoàn quân Tây Tiến đã bước chân qua, vừa thơ mộng lại vừa hùng vĩ. Một bức tranh làm xao động lòng ta như một bức tranh thuỷ mặc hiện đại : “Nhà ai pha luông mưa xa khơi”. Lại có những nét vẽ thật táo bạo, câu thơ như bẻ gãy làm đôi: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”.Có lúc hình ảnh núi rừng rộn lên bởi tiếng hô gầm thét, lại có lúc hình ảnh nên thơ duyên dáng về một cô gái cùng con thuyền độc mộc trên dòng sông chảy xiết. Cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng không làm hạn hẹp đề tài, trái lại, qua cảm hứng này,tâm hồn ông rộng mở với toàn cảnh của núi rừng Tây Bắc, khiến tâm hồn ta đẹp một cách phóng khoáng .
Kết thúc đoạn thơ, đợt sóng cồn của ký ức bị đánh thức đột ngột như tan dần. Đợt sóng mới chưa được hình thành nên lúc này ký ức được kéo dãn ra, nhẹ nhàng lan toả để cáchình ảnh tươi tắn hơn. Độc giả lại được dịp “nghỉ ngơi” để có thể nghiêng ngả theo điệu múa trong đêm liên hoan văn nghệ với “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” và được thả hồn “đong đưa”theo cánh hoa tươi trên dòng nước lũ.
Thiên nhiên trong “Tây Tiến” bao giờ cũng là một nhân vật quan trọng, tràn đầy sinh lực và thấm đượm tình người. Hồn thơ tinh tế của tác giả “bắt” rất nhạy một làn sương chiều mỏng, một dáng hoa lau núi phất phơ đơn sơ bất chợt. Rồi nhà thơ thổi hồn mình vào đó và để lại mãi trong ta một niềm bâng khuâng, thương mến. Và một áng thơ đẹp xuất hiện như mây chiều biên ải:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ.
“Tây Tiến” hiện lên khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ với đủ cả núi cao, vực thẳm, dốc đứng, thác gầm cùng cồn mây heo hút, dòng lũ hoa trôi với khói lên, sương lấp mưa xa khơi… Trên cái nền thiên nhiên kì vĩ, dữ dội ấy, nổi bật lên hình ảnh đoàn quân Tây Tiến “nhỏ bé” như bị ngập hút đi. Nhưng chính sự đối chọi, tương phản đó càng tăng thêm khí phách anh hùng của đoàn quân Cách mạng, mà kẻ thù, cũng như gian khổ không thể khuất phục nổi. Hình ảnh những người lính qua nét vẽ của Quang Dũng thật khác thường. Khác thường ở sự gian khổ cùng cực:ăn đói, mặc rét, bệnh tật,sốt rét đến xanh da, trụi tóc. Khác thường ở chỗ tác giả cố ý không miêu tả một gương mặt chiến sểniêng biệt với tên tuổi cụ thể nào, ông đã dồn cácphẩm chất tốt đẹp của những tráng sĩ Tây Tiến thành gương mặt chung của cả đoàn quân:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm .
Ta có thể hiểu, đây là hình ảnh khá chân thật về diện mạo bên ngoài người lính:mũ cài lá nguỵ trang thân thể xanh xao vì sốt rét. Nhưng cảm hứng ở đây lại tràn đầy một nỗi niềm thân quen. Từ thân quen mà thấy cái anh hùng của họ. Câu thơ tạo nên hình ảnh đối lập, bề ngoài thì xanh như lá, thiếu sức sống, nhưng bên trong người chiến sĩ thể hiện một phong độ anh hùng, oai như hùm nơi “rừng thiêng nước độc”. Câu thơ “Quân xanh mằu lá dữ oai hùm” đã gợi được dũng khí của người chiến binh thuở ấy. Nó mang cái dáng dấp kiêu hùng của người coi thường gian khổ , hy sinh để giữ cái thế hiên ngang của đoàn quân Tây Tiến. Hiên ngang và thật lãng mạn.Với bút pháp lãng mạn và cảm hứng say nồng, Quang Dũng đã dựng nên cái tương phản trong hình ảnh để rồi hoà hợp với tâm hồn làm cho ta thấu hiểu và cảm thông, tìm thấy ở đây một hình ảnh đẹp.
Người Hà Nội trở thành người chiến binh thì cái oai phong cũng rất Hà Nội. Quang Dũng đã viết đúng hình ảnh người lính Tây Tiến từ Hà Nội chiến tranh mà ra đi :
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”
Thực ra hai câu thơ ấy chỉ là nỗi lòng của nhà thơ muốn bộc lộ thật đậm, thật rõ chất lính của người thanh niên Hà Nội tài hoa lãng mạn. Lại có người nói: thời chiến chinh ác liệt nói về giấc mơ “dáng kiều thơm” là xa rời tinh thần chiến đấu. Thực ra cuộc đời con người vô cùng phong phú, tâm trạng của chàng trai Hà Nội lại càng có những nét hào hoa và tình cảm riêng. Cho nên nói người lính Tây Tiến “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, chỉ tô đẹp cái đậm của những con người ấy mà thôi. Hơn nữa, vẻ đẹp chân thực không bao giờ làm cho con người giảm sút lòng chiến đấu. Phẩm chất người línhqua hồi tưởng của Quang Dũng đã hiện lên vừa hào hùng, hào hoa và cũng vừa bi tráng. Nhà thơ đã nhìn thẳng vào những tổn thất hy sinh để viết những câu thơ :
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Câu thơ có cái gì xót xa gợi niềm cảm thương trong lòng người đọc. Miền đất biên ải xa xôi đẫ yên nghỉ bao cuộc đời người lính. Nơi đó có chút gì hoang vắng ghê rợn trước những nấm mồ viễn xứ. Nhưng rồi sau đó cảm hứng thơ lại bừng lên những suy nghĩ thật hào hùng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” thể hiên một sự quên mình của lớp trẻ thanh niên đầy nghĩa khí. Phương châm sống của họ cao đẹp mà giản dị. Thời ấy không ít thơ viết về người chiến sĩ, nhưng chỉ có “Tây Tiến” của Quang Dũng mạnh dạn nói đến cái chết. Cái chết tạo nên vinh quang của tuổi xanh thầm lặng mà cao cả hiến mình cho dân tộc.
Nét đặc sắc của Quang Dũng trong “Tây Tiến” còn thể hiện ở một ngòi bút sắc sảo tinh tế. Viêta cả về chiến tranh, nhưng cả bài thơ không có một chữ nào về trận đánh, về tiếng súng, về máu đổ hay về kẻ thù. Người đọc vẫn hình dung rất rõ gương mặt và không khí của chiến tranh. Điều lạ lùng là bài thơ có ba lần nói đến cái chết của người chiến sĩ trong các trường hợp khác nha, nhưng không một lần nhà thơ nhắc tới từ “chết” hoặc “hy sinh”. Nhà thơ đã thay thế từ “chết” bằng các cụm từ giản dị “về đất”, “bỏ quên đời”, “hồn về”… Đến đoạn thơ cuối lý tưởng cách mạng và tuổi trẻ đã truyền cho các chàng trai Tây Tiến chất anh hùng ngang tàng và cả chất men say lãng mạn đáng yêu. Ngay cả khi họ chết cũng phảng phất vẻ nghệ sĩ – tài tử,cái đẹp bi tráng chứ không bi lụy.
Để tiễn người lính Tây Tiến hy sinh, Quang Dũng không cần đến một lời ngợi ca sáo mòn nào, cũng không cần đến một giọt nước mắt … Ông chỉ để cho trời đất chứng giám, thu nhận thể xác và linh hồn người lính vào lòng: “Sông mã gầm lên khúc độc hành”tiếc thương đưa lính Tây Tiến vào cõi bất tử.Bởi vì, kể từ đây hồn các anh đã hoà quyện vào cả cây, sông núi để trở thành “hồn thiêng đất nước”.
Nhà phê bình Phong Lan nhận định: “Tây Tiến một tượng đài bất tử về người lính vô danh”. Bất tử bởi chính vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, bi tráng này. Và do vậy, người lính Tây Tiến qua bài thơ cùng tên của Quang Dũng sẽ sống mãi trong cõi vĩnh hằng và trong thế giới nhân sinh.

VIỆT BẮC
I - ý kiến bình luận về bài thơ
“Đến bài thơ Việt Bắc, lại là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên. Với bài này, hồn thơ cũng như nghề thơ của Tố Hữu chín rộ. Chúng ta cũng vẫn thấy cái giọng thơ thân mật, ấm cúng của Tố Hữu: Ngợi ca Việt Bắc bằng lời tiễn đưa nhau của một đoilứa tượng trưng cho miền ngược và miền xuôi; lời hỏi, lời đáp; lời nói rs, lời đồng vọng; lời dặn dò, lời hò hẹn; nhờ sáng tạo ra cảnh “ngược xuôi đôi mặt một lời song song” Như vậy, tác giả mới nói được hết ân tình . nhưng hoà hợp với cái thân mật ấm cúng kia, chunbgs t còn thấy bài thơ lộng lẫy, nhiều đoạn tuyệt đẹp; không phải một cây bút trong tay Tố Hữu nữa, mà nhiều ngọn bút cùng nở cùng một lúc, bút tả tình, bút tả cảnh, bút tả người. Người ta thấy văn chương cách mạng, văn chương nói chiến đấu, gian khổ , quyết tâm cũng lại là cái văn chương chí nghĩa, chí tình, cací văn chương lên thơ , lkên nhạc; cái văn chương mà có người sợ dễ khô khan, lại là cái văn chương thật nhuần nhị con người cách mạng trong bài thơ Việt Bắc. Là Người tình nhân mặn nồng, người chồng chung thuỷ, người con hiếu thảo, người bạn thiết cốt, người cán bộ tận tuỵ, là con người mang cái tìnhmến yêu của Tố Hữu đến cao độ, những lưòi nói ra làm cho mọi người khóc được, cười đợc, xúc động gan ruột người ta.
Lên đến một điểm cao cua rtâm hồn, nhà thi sỹ nhì được bao quát cả VB trong thưòi gian qua 15 năm, “ Nhớ khi kháng nhật thủa còn VM”, trong thời tiết sương sớm nắng chiều; trong các mùa cỏ hoa thay đổi ; tổng hợp bao nhiêu cảnh cơ qua, quân đội, dân công, xe cộ, đường xá. Một cuộc họp của hội đồng chính phủ trong một hang núi, từ tính cách chính trị tác giả gợi thành cái thi vị bao la, to rộng của sự lãnh đạo:
… Ngon cở đỏ thắm giáo lồng cửa hang.
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ươmg, chính phủ luận bà việc công
Điều quân chiến dich thu đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường,
Giữ đê, phòng hạn, thu lương,
Gửi daio miền ngược, thêm trường các khu
Khi làm vì lợi ích của ND mỗi việc đều nên thơ tất cả.
Trong bài VB này sự xúc cảm của nhà thơ đã tưới chỗ thấu đáo, tinh vi; Tác giả từ bao nhiêu năm trời cặn kẽ trông nhìn đồng bào miền núi, mến thương từng hành động của họ; đã bao nhiêu mùa ngắm nhìn phong cảnh thuộc các mùa hoa của núi rừng:
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên dẫy, bẻ từng bắp ngô..
…Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Để đề cao tình thuỷ chung sau trước của miền xuôi, miền ngược, sự khăng khít giao lưu của người về , kẻ ở, Tố Hữu chuyển những sự kiện kinh tế tài chính thành những tình cảm sâu xa; lâm thổ sản và tiểu công nghệ đều nói nên thi vị của đất nước và tình nghĩa của nhân dân; mà chính vì những thứ đó quan thiết đến đời sống nhân dân, nên lại càng đậm đà, gắn bó :
Mình về ta gửi về quê
Thuyền nâu, trâu mộng với bè nứa mai…
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm, cho ai nhớ mình
Trâu về xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi…
… Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời.
Mái trường ngói mới đỏ tươi
Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng…
Mọi sự kiện, chính trị, kinh tế, văn hoá,quân sự, địa dư, nhân chủng đều hoà thành một “Tiếng hát ân tình thuỷ chung”; cả bài như một buổi chiều vàng mùa thu trong đẹp, mà mỗi gốc cây, mỗi hòn đá đều vang ngân lên để cuộc tiễn đưa đầy cả ân tình. Cho đến cái lặng im cũng đầy ý vị.
Ngòi bút của Tố Hữu tiến lên nối tiếp truyền thống của các nhà thi hào cổ điển của ta, bút pháp đã tinh , nên khêu gợi nhiều hơn miêu tả, chữ đúc lại với nhau ( “Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”, “Bước chân nát đá , muôn tàn nửa bay” ). Có những câu đẩy đưa, người bộp chộp sẽ tưởng như là cũ càng, nhưng thực ra biểu hiện tình cảm rất man mác:
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuông trong dạ, bồn chồn bước đi
áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
Có những câu tình tứ như những câu thơ tình ái xưa nay:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Và bức tranh cuối bài Việt Bắc, theo ý tôi, là của một danh hoạ . Trong mấy nét, lột được phong thái cao quý lớn lao của Hồ Chủ Tịch, khi người đi qua , rừng núi cũng như học theo tác phong của Hồ Chủ Tịch, con ngựa của Người cưỡi như cũng nhịp bước chân cho hợp với cái bình tĩnh ung dung của Người qua sáu câu thơ, có một bản nhạc tấu lên và Người đi rồi và nhạc vẫn còn văng vẳng :
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người…”
Xuân Diệu
( “Tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu”. Phê bình giới thiệu thơ NXB Văn Học)

“ Tháng 10-1954, Tố Hữu hoàn thành bài thơ Việt Bắc, một tác phẩm thơ gồm 150 câu viết theo thể lục bát, phát triển một cách độc đáo và sáng tạo thể thơ truyền thống của dân tộc, làm cho bài thơ đậm đà tính chất dân gian và cổ điển, đồng thời cũng rất mới mẻ trong tư tưởng và chất liệu hiện thực, trong hình ảnh giọng thơ, nhịp điệu và ngôn ngữ.
Việt Bắc quả là một bài thơ ra đời rất đúng lúc, cũng là một bài thơ “không viết không được”. Sau chín năm kháng chiến, hoà bình được lập lại trên miền Bắc, nửa đất nước đã được tự do, cách mạng đã chuyển sang một giai đoạn khác. Qua một sự việc cụ thể lúc bấy giờ là những người kháng chiến từ miền núi trở về đồng bằng, miền xuôi, Trung ương, Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô, Tố Hữu đã xây dựng một bài thơ nói lên tình nghĩa đối với quê hương cách mạng đối với kháng chiến để mọi người trong niềm vui hiện đại và hy vọng về tương lai càng ý thức rõ hơn nguồn gốc của thắng lợi, không quên chặng đường gian khổ đầy tình nghĩa vừa trải qua .
Trong bài thơ, cách nhìn của tác giả đối với căn cứ địa Việt Bắc, đối với công cuộc kháng chiến và sự nghiệp cách mạng, đối với đất nước và nhân dân ta là cách nhìn của một nhà thơ cách mạng, đầy tình thương yêu quý trọng, biết ơn và lạc quan .
Suy nghĩ về một sự kiện, một vấn đề thời sự lại mang ý nghĩa lịch sử và rất gần gũivới tâm trạng của nhân dân, ở Tố Hữu đã biến thành cảm hứng sáng tạo, thành tình cảm và được diễn đạt trong bài thơ Việt Bắc với một nghệ thuật nhuần nhị, điêu luyện.
Việt Bắc ngọt ngào, đằm thắm, là một bài ca tâm tình, rất tiêu biểu cho hồn thơ, cho phong cách của Tố Hữu. Vẫn là tiếng nói của tình cảm, tình yêu, nhưng là tình yêu đối với quê hương đất nước, đối với cách mạng, đối với nhân dân. Trong câu truyện với một nhà nghiên cứu văn học người pháp là Mireille Gansel, Tố Hữu tâm sự rằng anh “phải lòng” đất nước và nhân dân mình, và đã nói với đất nước, về nhân dân như nói với người đàn bà mình yêu. Cho nên tình yêu biến thành tình nghĩa , và Việt Bắc trở thành tiếng hát ân tình chung của những người kháng chiến, của cả dân tộc trong một thời điểm rất đáng nghi nhớ.
Bài thơ cấu tạo theo lối đối đáp thường gặp trong văn học dân gian, đối đáp giữa hai người yêu thương nhau, tình nghĩa mặn nồng, nay phải chia tay nhau, kẻ đi người ở. Người ở lại với rừng núi nhạy cảm, cả nghĩ hơn trước những thay đổi trong cuộc sống , sợ bạn mình không giữ được thuỷ chung trước những “cám dỗ” mới, cho nên luôn gợi nhớ về kỉ niệm và băn khoăn không nguôi, hỏi mình, hỏi bạn:
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng .
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn ?
Hoá ra người về cũng cùng một tâm trạng, cũng tình nghiã thuỷ chung như bạn mình:
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình,
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…

ở chiều sâu của suy nghĩ, thơ là tâm trạng thống nhất của những người kháng chiến của chính bản thân nhà thơ, tạo nên sự liền mạch của hơi thơ, giọng thơ. Có thể nói đối đáp là cấu tạo bên ngoài, mà độc thoại, tự biểu hiện là cấu tạo bên trong. Do sự thâm nhập giữa đối đáp và độc thoại đó, mà trong bài thơ “ta” và “mình” không phải lúc nào cũng là hai nhân vật tách biệt, mà có khi chuyển hoá lẫn nhau. Mới nhìn qua thì đúng là hai người, kẻ về người ở:
Mình về mình có nhớ ta
Nhưng đi sâu hơn thì “mình” cũng là “ta”, “ta” cũng là “mình”, “ta” và “mình” hoà làm một. Cuộc trò chuyện giữa hai người sống gắn bó tình nghĩa với nhau bao nhiêu năm, cùng chung kỉ niệm và mong ước, cùng chung tâm trạng buổi phân ly cũng là sự xúc động, nỗi băn khoăn, dằn vặt giữa cái đã qua và cái sắp tới, giữa phân đi và phân ở trong một con người. Cho nên bên cạnh những hình ảnh “ta” và “mình” tách biệt nhau, đối đáp với nhau, ta sẽ không lấy làm lạ khi nhà thơ viết:
Mình đi mình có nhớ mình
Hoặc:
Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu .
Nhà thơ đã khai thác rất đắt chữ “mình” trong tiếng Việt. Mình là bản thân mình, là ta, nhưng mình cũng là người khác, một người khác thân thiết với mình, người bạn đời của mình, vì vậy cũng có thể xem như chính mình. Mình là một mà cũng là hai, là hai mà cũng là một. Bài thơ vừa thống nhất, vừa biến hoá, giữ vững tính đúng mực của thể lục bát trong một bái thơ có dung lượng lớn như vậy mà không rơi vào đơn điệu .
II – Gợi ý trả lời câu hỏi trong SGK
1-Bài thơ Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác tháng10-1954 ngay sau khi cuộc kháng chiến chống pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, các cơ quan Trung ương của Đảng và nhà Nước từ Việt Bắc chuyển về xuôi, trong niềm vui thắng lợi và hoà bình, không khỏi có những bâng khuâng, bịn rịn,lưu luyến khi chia tay Việt Bắc. Tố Hữu sáng tác bài thơ này để thể hiện nghĩa tình sâu nặng của người cán bộ kháng chiến với nhân dânViệt Bắc, với cách mạng và kháng chiến. Là nhà thơ cách mạng, làm thơ trữ tình chính trị, Tố Hữu lại đặc biệt rung động với nghĩa tình cách mạng. Bài thơ thể hiện sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, tiếng lòng của nhà thơ cũng là tình cảm và suy nghĩ chung của mọi người Việt Nam kháng chiến

BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG
I-Tư liệu về tác giả và tác phẩm
“Mẹ tôi là người vùng quan họ.Bà thuộc rất nhiều làn điệu và hát rất hay nổi tiếng trong vùng.Hương vị dân tộc,chất tình tứ,hư hảo của nhũng câu ca quan họ đã thấm đẫm trong hồn tôi từ những ngày nhỏ dại.Suốt thời thơ ấu tôi sống ở làng quê.Năm lên tám tuổi tôi đã làm bài thơ lục bát đầu tiên,viết bằng bút chì xanh đỏ,gửi cho một cô gái rất đẹp ở gần nhà,tên là Vinh.lúc bắt đầu đi học,tôi học ở Bắc Giang.lớn hơn một chút,lúc học cao đẳng tiểu học tôi lại về Bắc Ninh…
Cô đã nhắc đén bài thơ Bên kia sông đuống thì tôi cũng kể luôn về trường hợp tôi sáng tác bài thơ này.Đó là dịp đầu năm 1948.Sau tết ta,trời đã chuyển sang tiết xuân nhưng vẫn còn hơi lạnh.Tôi cùng với Nguyên Hồng,Nguyễn Địch Dũng,Xuân Thu,Hoàng Tích Linh,Kim Lân…đóng ở làng Thượng,Huyện Phú Bình,Thái Nguyên.
Bên kia sông đuống,dọc theo Hữu Ngạn là vùng quê tôi gồm:Gia Lâm, Lương Tài, Gia Bình, Thuận thành. Kéo dài một vệt đến tận Phả Lại. Đó là một miền quê thơ mộng ,trù phú.Nhưng từ năm1947, quân Pháp đã tràn lên chiếm đóng,càn quét. Lúc bấy giờ, ông Vương văn Trà, người cùng làng tôi thành lập một tiểu đoàn du kích lấy tên là tiểu đoàn thiên đức đánh lại quân Pháp. Do thế Địch đang mạnh lên đầu năm 1948 Tiểu đoàn phải rút lui lên khu an toàn. Nơi đây, ông Chu văn Tấn và ông Lê Quảng Ba lúc đó ở Bộ tư lệnh Khu XII yêu cầu ông Vương văn Trà báo cáo tình hình. hôm đó tôi được mời nghe. Đêm về tôi không sao ngủ được.Lòng buồn nôn nao nỗi nhớ tiếc quê hương bị chiếm đóng, tàn phá. Bao tình cảm riêng-trung lẫn lộn cứ trào lên mãnh liệt.Và thế là, trong khi các đ/c đang giấc ngủ ngon,tôi thắp đèn ngồi viết Bên kia sông đuống.Tôi còn nhớ rất rõ trạng thái xúc cảm của tôi khi viết bài thơ này. Giềng như tôi viết không kịp. Phải cố gắng lắm tôi mới theo được những câu thơ,ý thơ dồn dập,trào lên ngọn bút.Chưa bao giờ tôi thấy quê hương lại cụ thể, máu thịt xót xa giềng ấy.Toàn thân tôi run lên.Những hình ảnh , âm thanh màu sắc dệt lên quê hương thân yêu giờ như chìm trong lửa cháy, nước mắt và trong”…Máu loang chiều mùa đông”.sau mỗi câu viết ra, tôi cảm thấy ớn lạnh cả xương sống. Dường như từ đó mà ra.
Cứ như thế, cho đến khi tôi viết song câu cuối cùng”Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”thì cũng là lúc trời dạng sáng. Lúc này tôi mới thấm mệt nhưng trong lòng lại cảm thấy thanh thản,nhẹ nhõm như vừa được giải toả.Thấy Nguyên Hồng có vẻ đã thức giấc, tôigọi anh dậy và đọc bài thơ cho anh nghe. Mới được năm câu anh đã khóc. Nguyên Hồng vẫn vậy,và cứ thế nức nở cho đến khi tôi đọc hết bài thơ.Anh đòi đánh thức cả Nguyễn Địch Dũng, Xuân Thu, Kim Lân, dậy để tôi đọc lại. Sau đó anh bắt tôi chép thành ba bản. Một ban4r gửi cho báo Cứu Quốc, chỗ anh Như Phong và anh Tô Hoài. Một bản gửi cho báo nhân dân. Một bản gửi đến hội văn nghệ, chỗ anh Nguyễn Huy Tưởng. Bài thơ được báo Cứu quốc in lần đầu tiên khoảng tháng 6-1948. Cho đến giờ, tôi vẫn thích phần đầu của bài thơ. Đó là những gam màu hồn nhiên nhất, tươi tắn nhất trong bức ảnh quê hương. Đó là xúc cảm mãnh liệt nhất, trong sáng nhất mà tôi giành cho miền đất thân yêu của tôi”.

II- Gợi ý trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa
1.Cái nhìn toàn cảnh “Bên kia sông Đuống” từ “bên này”.
2. Mở đầu bài thơ là một tiếng gọi, đồng thời là một lời an ủi: “Em ơi buồn làm chi”. Em ở đây là một nhân vật phiếm chỉ, nhưng có phần chắc là một cô gái Kinh Bắc, nhà thơ cần có một người nào đó để thổ lộ những tình cảm chất chứa trong lòng mình.
Cái nhìn toàn cảnh bên kia sông Đuống bao quát cả không gian và thời gian. Con sông Đuống từ quá khứ xa xưa hiện về với bờ’’Cát trắng phẳng lì”mangdấu ấn của một thời bình yên,thơ mộng.Con sông quê hương từ xa xưa trôi chảy về thời hiện tại hiện lên trong tâm trí nhà thơ như một dòng sáng,”lấp lánh”trù phú như màu xanh của bãi mía lương dâu.
Sông Đuống hiện trong một khoảng thời gian tâm tưởng.Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến” trường kỳ”tình cảm sâu nặng với quê hương cùng với trí tưởng tưởng phong phú đã giúp cho nhà thơ sáng tạo một hình ảnh độc đáo.Đầy ấn tượng về một dòng sông.Xáo trộn cả không gian với thời gian.Cái dáng nằm “nghiêng nghiêng”đã tượng hình lên con Sông Đuống làm cho nó hiện ra như một sinh thể sống động.
Từ bên này.Nhà thơ đau đáu hướng cặp mắt về bên kia sông Đuống nơi quê hương đã bị quân giặc chiếm.Đoạn thơ kết thúc bằng một hình ảnh diễn tả rất cụ thể nỗi đau sót vô hạn của nhà thơ”Sao xót xa như dụng bàn tay’’có thể nỗi tâm trạng ở đây đã đạt tới mức độ điển hình.
3.Hồn thơ Hoàng Cầm vốn gắn chặt tới mức máu thịt với vùng quê Kinh Bắc.Nhà thơ sinh ra và lớn lên ở đây.Kinh Bắc là một vùng đất cổ với biết bao di tích lịch sử,đền đài,miếu mạo.Gắn liền với di tích ở đây là những truyền thuyết huyền thoại,cổ tích cùng với hội Gióng,hội Lim,hội chùa Dâu…đã chở lên quen thuộc đối với người Việt Nam.
Thế giới Kinh Bắc với truyền thống văn hoá nghệ thuật lâu đời.Với một nét đẹp cổ kính ấy đã đi vào trong thơ Hoàng Cầm.
Trong đoạn thứ nhất thuộc phần thứ hai của bài thơ Bên kia Sông Đuống.Hoàng Cầm tập trung dựng lại bức tranh của đồng quê Kinh Bắc.Thuở thanh bình và khi quân giặc tới.Cảm ứng chủ đạo ở đây là nỗi đau sự nuối tiéc,xót xa căm giận trước cảnh quê hương thanh bình,đông vui,tươi đẹp,hết sức đáng yêu với những truyền thống văn hoá lâu đời,nay đang bị giặc tàn phá,giầy xéo.
Hoàng Cầm đã mưu tả thật sống động những cảnh tượng của quê hương khi”giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn”làm nổi bật sự tương phản giữa cảnh yên vui của quá khứ với cảnh tan hoang của thời hiện tại.Những câu hỏi dồn dập: Bây giờ tan tác về đâu(?) Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu(?) bây giờ đi về đâu(?) vang nên như những điệp khúc rất gợi cảm.Xoáy sâu tâm trí người đọc.
Thế giới Kinh Bắc .Đặc biệt là ở Bên kia SĐ được gợi nên trong trí nhớ của nhà thơ với những gì tươi đẹp nhất, thân thiết nhất.Yêu quý nhất và tiêu biểu nhất của quê hương mình.
-Trước hết là những bắc tranh Đông Hồ với những màu sắc, đường nét tươi sáng, sinh động, ngộ nghĩnh, đậm đà màu sắc dân tộc. Hoàng Cầm đã gợi nên được hồn của những bức tranh từ tư liệu đến đề tài, tư tưởng, nghệ thuật đều dân gian và cũng rất dân tộc.
Nhà thơ đã mưu tả thật sống động cảnh tượng quê hương khi quân giặc tràn tới ruộng khô nhà cháy, đâu cũng thấy những cảnh tan tác chia ly.
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia ly trăm ngả
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu
Mượn hình ảnh trong tranh để diễn tả thật ngoài đời nhà thơ đã lay động sâu xa tình cảm của những con người vốn gắn bó máu thịt với tr/thống văn hoá ngàn đời của quê hương Kinh Bắc.
Tiếp theo là hình ảnh vùng quê hương Kinh Bắc với những đền chùa cổ kính, những hội hè đình đám, tác giả đã dựng lại không khí đông vui nhộn nhịp hội chùa mùa xuân có đủ cả trẻ già trai gái, gắn liền với những kỷ niệm về một thời bình yên, hạnh phúc.Vậy mà”giấc mộng bình yên”mấy trăm năam bị tan vỡ con người bị tan tác, chia ly, không biết đi đâu, về đâu chỉ có tiếng chuông chùa văng vẳng”càng làm tăng thêm sự hoang vắng của quê hương.
-Tác giả đi ngược thời gian, sống lại cảnh tượng lao động buôn bán sầm uất của một vùng quê.Trong tâm trí nhà thơ hình tượng cô gái Kinh Bắc răng tơ, dệt sợi, buôn bán tảo tần hiện lên với những nét xinh đẹp, dịu dàng, duyên dáng và biết tình tứ.
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt bút sen
Như cô hàng sén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
Cảnh buôn bán làm ăn tấp lập đông vui ấy khi quân giặc kéo đến thành ra tan tác cả. Những cô gái xinh đẹp ấy bây giờ không biết đi về đâu, câu hỏi ấy vang nên như một nỗi niềm xót xa nuối tiếc.
-Hoàng Cầm đã giành những tình cảm sâu nặng nhất cho những bà mẹ thân yêu. Những người mẹ thân yêu” già nua còn cõi gánh hàng dong”đã vất vả trong thời bình càng khốn khổ hơn khi quân giặc đến. Hình bóng bà mẹ tần tảo trở đi trở lại ba lần trong một đoạn thơ ngắn. Hình ảnh bà mẹ tóc bạc phơ bước thấp bước cao trơn mưa lạnh in trên nền trời có một cánh cò trắng bay “vun vút”lướt ngang dòng Sông Đuống đã nói lên thật thấm thía thân phận tội nghiệp của những người mẹ nghèo trong chiến tranh.
Đáng thương nhất là những hình ảnh em nhỏ. Những đứa trẻ thơ ngây gầy bị đối khát bị cái chết đe doạ cả khi thức lẫn khi ngủ.
3.Bên kia Sông Đuống chỉ nói về một vùng quê cụ thể như đã động tới tình quê hương của mọi người Việt Nam. Hình ảnh của vùng quê Kinh Bắc hiện lên với những tên đất, tên núi, tên chùa cụ thể , với những con người của một vung quê văan hiến đông vui, sầm uất, mặc dù có màu sắc địa phương đậm nét nhưng cũng rất tiêu biểu cho những làng quê Việt Nam. Tình cảm gắn bó với quê hương, với người mẹ, với trẻ thơ v.v…vốn là tình cảm thương tình của con người, và lại, cảnh quê hương bị giặc tàn phá càng làm cảnh ngộ chung của nhiều người Việt nam trong kháng chiến. Chính vì thế, mặc dù viết về một vùng quê Kinh Bắc . Bài thơ Hoàng Cầm vẫn có sức lay động sâu sắc tình cảm quê hương của con người Việt Nam.



























Tài lệu học tập môn văn

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Lớp Học :: Trao đổi học tập :: Khối đại học- cao đẳng-

 
Diễn đàn Trường THPT Hoằng Hóa II
Địa chỉ : Hoằng Kim , huyện Hoằng Hóa , tỉnh Thanh Hóa,Việt Nam.

Power by : PHPBB2 | Style: VBB 3.8
Được xây dựng và phát triển bởi BQT và thành viên diễn đàn!
hoanghoa2
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất